Đồng bằng sông Cửu Long là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam nước ta hay còn được gọi với cái tên thân thương là miền Tây. Một số người sẽ thắc mắc rằng ẩm thực nơi đây như thế nào. Người dân địa phương sử dụng nguyên liệu gì để chế biến món ăn và những món ăn nhất định phải thử khi đến thăm miền Tây? Bài viết dưới đây của makoser sẽ cung cấp cho bạn những món ăn làm từ mắm đặc sản mà bạn nhất định phải thử khi có dịp đến miền tây.
Lẩu mắm miền Tây đậm đà
Lẩu mắm là lựa chọn yêu thích của nhiều người vào ngày mưa, tiết trời se lạnh. Người miền Tây thường chuẩn bị món ăn này để tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Mắm cá sặc hoặc cá linh là 2 nguyên liệu ưa dùng khi chế biến nước lẩu bởi vị đậm, thơm nồng.
Nước lẩu mắm phải được ninh từ xương heo. Để tăng vị thơm, ngậy, người miền Tây thường cho thêm nước dừa tươi khi ninh. Ngoài ra, nước dùng còn có cà tím, mướp đắng… Khi ăn, thực khách sẽ nhúng thịt ba chỉ, tôm, mực, cá… Cùng nhiều loại rau như cải, bông súng, điên điển… vào nồi lẩu đang sôi.
Mắm kho thơm ngon, dậy vị
Mắm kho là món ăn quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày của người miền Tây. Nồi mắm kho chuẩn bị phải có đầy đủ cá, tôm, cà tím, rau củ, sả, hành, ớt… Để làm món ăn này, bạn phải kho rục cá, tôm trong nước cốt vắt ra từ mắm. Sau đó, thêm cà tím, rau củ vào để tăng vị ngọt, bùi.
Các nguyên liệu sả, hành, ớt giúp món ăn thêm thơm ngon, dậy vị. Nồi mắm được kho đến khi nước sền sệt là tắt bếp. Nước mắm kho thường dùng để nhúng rau hoặc chan cùng cơm nóng.
Mắm chưng miền Tây béo ngậy
Nếu không quen với vị đậm mùi đặc trưng của những món ăn miền Tây, bạn có thể lựa chọn mắm chưng để thưởng thức. Nguyên liệu để làm mắm chưng không quá cầu kỳ. Nó là sự kết hợp giữa mắm cốt, thịt băm, trứng, củ hành, nấm mèo và gia vị.
Hỗn hợp sau khi trộn đều sẽ được đựng trong chén và đem hấp cách thủy. Món ăn này thường được dùng cùng cơm nóng. Ở một số nơi, mắm chưng còn được cho thêm trứng muối để tăng độ béo.
Tuyệt phẩm mắm cá lóc
Mắm lóc còn sống được chế biến bằng cách xắt thịt con mắm rồi ướp thêm đường, thêm ít tỏi trộn với đu đủ mỏ vịt bào nhỏ và được gọi là mắm thái. Để ăn được món mắm thái ngon nhất thì nên đến “Thủ phủ mắm” Châu Đốc vì nơi đây có cách làm mắm nói chung và mắm thái nói riêng vô cùng nổi tiếng, không nơi nào sánh bằng. Nếu có dịp du lịch An Giang đừng quên ghé và thưởng thức món ngon tuyệt phẩm này nhé.
Mắm cá linh, cá chốt
Cá linh là loại cá chỉ xuất hiện khi nước nổi về. Cá linh non (hay còn gọi là cá linh đầu mùa, về theo con nước lũ) thì được dùng để kho mía, nấu canh chua bông điên điển,… Cá linh già (có vào cuối mùa, cỡ lớn hơn) thì được dùng làm mắm.
Mắm cá linh, cá chốt sau khi được ướp muối sẽ được để một thời gian rồi trộn với thính và chao qua đường vàng hoặc mật ong. Khi mắm vừa “tới”, tức là đã thấm gia vị có mùi thơm đặc trưng thì dở mắm ra ăn sống với cơm, hoặc với khoai lang luộc là đã có một bữa ăn ngon lành. Người miền Tây hay dùng trái bần chua ăn kèm với con mắm sống để món ăn trung hòa, ngon miệng hơn. Có nơi còn hay chấm món mắm miền Tây này với nước cốt làm từ chanh, tắc và không thể thiếu ớt hiểm, ít lát gừng, tỏi để át đi phần nào mùi mắm.